Các mô hình kinh tế chia sẻ nổi bật trên thế giới

Tin tứcDigital banking platform

21

04, 2022

Một số mô hình nổi bật thuộc nền kinh tế chia sẻ

Trên thế giới, khái niệm “kinh tế chia sẻ” hoặc “mô hình chia sẻ” đã xuất hiện từ rất lâu, tuy nhiên phải đến năm 2009, mô hình kinh doanh này mới thực sự phát triển mạnh mẽ khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng, người dân buộc phải thay đổi cách tiêu dùng để thích ứng với bối cảnh khó khăn. Việc chia sẻ những tài nguyên sẵn có bằng các ứng dụng công nghệ cùng những khoản lợi nhuận khổng lồ đem lại cho nhà cung ứng dịch vụ lẫn người cho thuê và sử dụng tài nguyên.

Điều này đã khiến mô hình kinh doanh này nhanh chóng phát triển vượt ra khỏi biên giới Mỹ, lan rộng khắp châu Âu và toàn thế giới. Theo ông Yuhei Okakita, doanh thu toàn cầu của nền kinh tế chia sẻ có tiềm năng tăng nhanh từ 15 tỷ USD hiện nay lên tới khoảng 335 tỷ USD.

Trong thực tế, hiện nay trên thế giới đã hình thành hàng triệu công ty chia sẻ tài sản lớn như: Airbnb, RelayRides, DogVacay, LiquidSpace… Các công ty này sử dụng công nghệ điện thoại, GPS, 3G, thanh toán online khiến cho mô hình nền kinh tế chia sẻ hoạt động với hiệu suất cao, tiết kiệm chi phí, tăng lợi ích cho người cung ứng, người có nhu cầu và người trung gian. Đồng thời, việc tiết kiệm vốn của công ty (không phải mua ôtô, xây khách sạn) mà sử dụng vốn cộng đồng (xe ôtô của người tham gia, nhà ở của người tham gia) giúp các công ty có thể lan nhanh ra toàn thế giới.

Những mô hình nổi bật thuộc nền kinh tế chia sẻ có sự lan tỏa nhất định trên toàn cầu, có thể kể tới như:

Mô hình RelayRides: Đây là mô hình chia sẻ xe ô tô trong cộng đồng, tận dụng nguồn tài nguyên đang bị lãng phí là những chiếc xe ôtô được tư nhân sở hữu. Giá đặt ra trên nền tảng RelayRides thấp hơn giá của các công ty cho thuê xe khác khoảng 35%. Chủ sở hữu xe có thể cho thuê xe của mình trên nền tảng và thu về trung bình 300 – 500 USD/tháng, có thời điểm lên tới 1.000 USD/tháng. Đối tượng được thuê xe là những người được đánh giá là lái xe an toàn trong ít nhất 2 năm (không gây tai nạn, không bị phạt). Kết thúc quá trình giao dịch, người thuê và người cho thuê có thể đánh giá lẫn nhau.

Mô hình Airbnb: Mô hình Airbnb chia sẻ nhà ở cho người đi du lịch, tận dụng nguồn tài nguyên đang lãng phí là những căn phòng không dùng đến. Thông qua nền tảng này, chủ sở hữu căn nhà cho thuê và người thuê nhà sẽ gặp được nhau và ký kết hợp đồng thuê nhà. Giá thuê nhà định ra trên nền tảng Airbnb luôn thấp hơn giá thuê phòng khách sạn khoảng 3 lần. Theo ước tính, chỉ trong 1 đêm đã có đến 40.000 người thuê chỗ ở từ một dịch vụ cung ứng 250.000 phòng tại 30.000 thành phố ở 192 nước và mọi thanh toán đều qua mạng internet.

Điều đáng nói là những căn phòng hay chỗ ngủ này không phải do một chuỗi khách sạn nào đó cung cấp mà do các cá nhân. Những người cần thuê và chủ cho thuê được “mai mối” nhờ Airbnb – một công ty có trụ sở tại San Francisco (Mỹ). Sau giao dịch người thuê và người cho thuê cũng có thể đánh giá lẫn nhau trên nền tảng này. Hiện nay, Airbnb được định giá gần 20 tỷ USD và đã hiện diện ở rất nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nền tảng Uber: Nền tảng Uber tận dụng nguồn tài nguyên ô tô, xe gắn máy ít được đưa vào lưu thông và người lao động không kiếm được việc làm trong cộng đồng. Thời gian đầu, Uber chỉ kinh doanh trong lĩnh vực xe hạng sang, sau đó mở rộng ra các lĩnh vực khác như xe bình dân, xe SUV, vận chuyển… Mức giá của Uber thường rẻ hơn các dịch vụ cung cấp bởi công ty truyền thống. Hiện nay, Uber được định giá 18,2 tỷ USD.

Tham gia mô hình này, chủ sở hữu xe ô tô, xe gắn máy thực hiện việc đăng ký trên nền tảng, làm bài kiểm tra khả năng lái xe. Khách hàng muốn đặt xe thông qua nền tảng này sẽ click vào nền tảng Uber, chọn địa chỉ nơi đi, nơi đến và nhấn nút đặt xe, ứng dụng này sẽ lựa chọn ngẫu nhiên một phương tiện gần với khách hàng nhất. Khi đã kết nối, lái xe và người đặt xe liên lạc và thông báo điểm đón thông qua điện thoại di động. Sau sử dụng dịch vụ, người lái xe và người sử dụng dịch vụ cũng có thể đánh giá lẫn nhau trên nền tảng.

 

Mô hình TaskRabbit: Còn gọi là mô hình giúp đỡ nhau trong cộng đồng, được đầu tư 38 triệu USD vào năm 2012. Mô hình này được hiểu một cách đơn thuần là những người có công việc cần thực hiện nhưng không đủ khả năng (thiếu thời gian, kỹ năng…) sẽ đẩy thông tin lên nền tảng để tìm kiếm người lao động phù hợp (kỹ năng, mức giá, vị trí). Người có nhu cầu cần làm việc sau khi hoàn thành công việc sẽ được thanh toán online. Kết thúc công việc, người lao động và người thuê cũng có cơ hội đánh giá lẫn nhau trên nền tảng.

Mô hình KickStarter: Còn gọi là mô hình gọi vốn từ cộng đồng để thực hiện các dự án. Người có dự án nghệ thuật, phát triển phần mềm, nghiên cứu khoa học công nghệ sẽ đăng tải nội dung dự án của mình lên nền tảng để cộng đồng người dùng KickStarter xem xét cấp vốn. Người cấp vốn có thể thu lại những sản phẩm như áo phông, phần mềm sử dụng, sản phẩm mẫu… của dự án mà họ cấp vốn, tùy theo mức tiền mà họ bỏ ra để ủng hộ. Mô hình này thu hút sự tham gia của số đông những người trẻ khởi nghiệp. Số vốn KickStarter đã thu hút cho hơn 100.000 dự án đạt gần 1 tỷ USD.

Mô hình cho vay trong cộng đồng Peer lending: Là mô hình trong đó các đối tượng trong cộng đồng cho vay lẫn nhau, không thông qua trung gian là ngân hàng. Ví dụ, các làng xã, khu dân phố thành lập quỹ chung dùng để hỗ trợ cho người trong khu gặp việc khẩn cấp. Nền tảng đánh giá người vay thông qua dữ liệu quá khứ và tập hợp dữ liệu thu thập được từ nhiều nguồn để đưa ra mức độ an toàn của khoản vay. Các khoản vay trên nền tảng này thường có lãi suất thấp hơn nhưng người cho vay lại thu được nhiều hơn gửi vào ngân hàng, theo công ty là do chi phí tổ chức của công ty thấp hơn của ngân hàng.

Bartering giữa các doanh nghiệp: Các doanh nghiệp có những tài sản, máy móc thừa, nhà kho chưa dùng đến, sản phẩm tồn kho… có thể trao đổi với nhau để cả 2 bên cùng có lợi, đồng thời tiết kiệm thời gian do không phải thông qua việc chuyển tiền. Hoặc các doanh nghiệp có những kỹ năng chuyên môn riêng biệt có thể thực hiện đào tạo cho một nhóm doanh nghiệp, chia sẻ kỹ năng của mình, nhận về thông tin hữu ích… Thị trường chia sẻ doanh nghiệp với doanh nghiệp có thể còn lớn hơn so với thị trường chia sẻ giữa người dân.

Car Pooling – đi chung xe: Mô hình này xuất hiện vào năm 1970 khi giá xăng tăng cao, thịnh hành ở Đức vào cuối thế kỷ XX, với đặc điểm của xã hội là những người đi làm phải di chuyển khá xa, cần phải dùng xe ô tô, chi phí xăng rất cao. Vì thế, người dân đi chung xe với nhau để tiết kiệm tiền di chuyển. Tại Đức, mô hình car pooling phổ biến đến mức quốc gia này đã xây dựng một làn đường riêng dành cho các xe chở đông người.

Qua phân tích các mô hình kinh tế chia sẻ trên thế giới có thể nhận định rằng, lợi ích đạt được của nền kinh tế chia sẻ là rất lớn. Cụ thể là tiết kiệm chi phí, giúp bảo vệ môi trường, tăng tính hiệu quả của nền kinh tế, giảm bớt sự lãng phí tài nguyên xã hội và sự dư thừa năng lực của các sản phẩm dịch vụ. Đây chính là những yếu tố khiến mô hình nền kinh tế chia sẻ có những tiềm năng phát triển lớn mạnh hơn nữa trong tương lai, sẽ không chỉ là một thị trường ngách hay một hiện tượng nhất thời mà là tương lai của môi trường kinh doanh toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích vượt trội trên, mô hình nền kinh tế chia sẻ cũng tồn tại nhiều mối lo ngại cho sự phát triển của nó, đặc biệt là tính pháp lý. Những thách thức về khung pháp lý đặt ra cho mô hình kinh doanh chia sẻ, đó là sự cạnh tranh “không công bằng”, tình trạng này đang khiến cơ quan quản lý của nhiều quốc gia bối rối.

Bên cạnh đó, việc trốn thuế của các công ty tham gia nền kinh tế chia sẻ cũng sẽ trở thành mối quan tâm lớn của Chính phủ các quốc gia, khi mà những khoản lợi nhuận mà các công ty này thu được ước tính lên tới những con số khổng lồ. Những công ty này hiện vẫn duy trì danh nghĩa là công ty tư nhân – điều này cho phép họ linh động điều chỉnh, không phải báo cáo số liệu với cổ đông, không bị kiểm toán độc lập và không ai có thể giám sát tài khoản…

Tiềm năng phát triển kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

Tại Việt Nam, cụm từ “kinh tế chia sẻ” được nhắc tới khá nhiều trên các diễn đàn trong thời gian gần đây. Mô hình này được gắn với các tên tuổi từ các doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài như: Uber, Grab, Airbnb. Tiếp đó là sự xuất hiện của hàng loạt start-up trong nước như: Ahamove, jupviec.vn, Cơm mẹ nấu… Kết quả của các mô hình trên đã và đang cho thấy những cơ hội, thách thức cũng như khả năng phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam, cụ thể:

Tiềm năng và cơ hội phát triển

Khác biệt so với các nước phát triển, Việt Nam với nền tảng là nền nông nghiệp lúa nước, làng xã sống đoàn kết, người dân sống chan hòa, chia sẻ, chung tay thực hiện nhiều công việc. Những đặc điểm trên cho thấy, người Việt có thể đón nhận mô hình kinh tế chia sẻ khá dễ dàng.

 

Theo một công bố của Công ty Nielsen cho thấy, kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam. Kết quả khảo sát này cho thấy, cứ 4 người Việt được hỏi thì có 3 người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình này (chiếm 75%). Nghiên cứu mới đây của Vụ Kinh tế – Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cũng từng đưa ra nhận định, kinh tế chia sẻ đang là xu hướng mới song hành cùng cuộc cách mạng về công nghệ thông tin trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số, là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam hiện nay.

Tóm lại, phát triển kinh tế chia sẻ có thể góp phần giúp Việt Nam thích ứng nhanh chóng với những đổi thay lớn đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu; Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hướng tới xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập theo xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0; Phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo cùng mọi nguồn lực để đất nước tiến lên phía trước nhưng “không ai bị bỏ lại phía sau” và mọi người đều được hưởng thành quả từ tăng trưởng.

Những khó khăn, thách thức

Cùng với nhiều lợi ích đem lại từ phương thức kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ đã và đang nảy sinh những khó khăn, thách thức liên quan đến thị trường, cạnh tranh công bằng, năng lực đổi mới sáng tạo và nhất là thách thức đối với công tác quản lý nhà nước về thuế, điều kiện kinh doanh, thanh toán không biên giới, an toàn lao động, bảo hiểm… Ví dụ như chính sách thuế đối với Grab, Uber hay “cuộc chiến” giữa Grab với taxi truyền thống đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Nhìn chung sự phát triển của các dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam thời gian vừa qua còn mang tính tự phát, trong khi các cơ quan quản lý còn khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức quản lý mô hình này. Việt Nam hiện nay chưa có được những khung khổ pháp luật chặt chẽ để quản lý các mô hình hoạt động của kinh tế chia sẻ.

Hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của nước ta như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử… và các quy định về thuế hầu như còn bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế chia sẻ. Một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ có thể liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng khi đăng ký ngành nghề kinh doanh rất lúng túng, không biết đăng ký ở đâu, xin phép từng ngành nghề như thế nào…

Ngoài ra, mô hình kinh tế chia sẻ còn tồn tại một số hạn chế khác như nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp truyền thống do doanh nghiệp tham gia nền kinh tế chia sẻ những dịch vụ của họ không đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của pháp luật.

Kinh tế chia sẻ cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách tại Việt Nam, bao gồm môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; Kiểm soát việc minh bạch về thông tin; Quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; Quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; Chống thất thoát thuế và nảy sinh một số vấn đề xã hội khác như lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

Trên thực tế, hiện nay cũng đã xuất hiện những mối lo về nguy cơ mô hình kinh tế chia sẻ bị biến dạng, không giống mục đích ban đầu. Giờ đây, Uber, Grap được coi là mô hình đầu tư mới, dựa trên nền tảng công nghệ internet chứ không còn là mô hình kinh tế chia sẻ. Các mô hình này đang có xu hướng phá vỡ, xung đột lợi ích với các ngành nghề kinh doanh truyền thống và bị tố cáo sử dụng nguồn vốn khổng lồ huy động được, trợ giá, tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng, gây bất bình đẳng đối với các loại hình kinh doanh truyền thống.

Chưa kể mô hình kinh doanh mới này, nếu biến tướng, sẽ tạo ra một lượng lớn người lao động “nghèo khổ” – không có quyền lợi về bảo hiểm sức khỏe, bảo đảm công việc và những giao dịch ngang hàng sẽ làm gia tăng bất bình đẳng… Tuy nhiên, thị trường luôn vận động, không chờ đợi, các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn hàng ngày, không ngừng hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh từ mô hình kinh tế chia sẻ để tiết kiệm chi phí giao dịch và nhanh chóng tiếp cận số lượng khách hàng lớn – điều mà các hình thức kinh doanh truyền thống khó đem lại được.

Trong khi xu thế ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh là không thể đảo ngược thì vấn đề quan trọng với Việt Nam hiện nay là làm thế nào để khai thác tối đa điểm mạnh của mô hình kinh tế chia sẻ, đồng thời hạn chế mức thấp nhất những bất cập. Để có thể ứng phó với những thách thức cũng như tận dụng hiệu quả các cơ hội mà kinh tế chia sẻ đem lại, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra 3 yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần thiết phải đảm bảo trong thời gian tới, đó là công nghệ, nguồn nhân lực và môi trường pháp lý.

Theo đó, cần tận dụng cơ hội cho phát triển kinh tế – xã hội của mô hình kinh tế chia sẻ mang lại; Tận dụng cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bắt kịp xu hướng chung của thế giới. Đồng thời, nhanh chóng cải thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho việc mở rộng phạm vi các sáng kiến kinh doanh, đào tạo nhân lực, kết nối giữa các bên tham gia hệ sinh thái, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm. Ðặc biệt là đẩy nhanh thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử và cơ sở hạ tầng thông tin, nhất là xây dựng hệ thống dữ liệu mở, thông suốt để phục vụ quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ.

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 01/2018, Chính phủ đã thống nhất xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ; Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan dự báo xu hướng thế giới, vận dụng phù hợp với tình hình Việt Nam, tổ chức xây dựng Đề án, bảo đảm tính khoa học, khả thi, đúng hướng.

Chủ trương này được đánh giá là động thái kịp thời của Chính phủ nhằm tận dụng tối đa xu thế của mô hình kinh tế chia sẻ đang ngày càng phổ biến, góp phần thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước trong thời gian tới. Động thái này còn thể hiện tinh thần chủ động đón đầu các xu hướng mới của nền kinh tế trong Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Chính phủ và các bộ, ngành nước ta.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hữu Tuấn (2018), Hệ quả xấu khi mô hình kinh tế chia sẻ bị biến tướng, Báo Đầu tư;
  2. ThS. Nguyễn Phan Anh (2016), Mô hình nền kinh tế chia sẻ và gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Tài chính;
  3. ThS. Đỗ Thị Nhung (2018), Phát triển mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam và một số đề xuất, Tạp chí Tài chính;
  4. Nguyễn Duy Khang (2016), Nền kinh tế chia sẻ và khả năng phát triển ở Việt Nam;
  5. Tô Hà (2018), Cơ hội và thách thức của mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam, Báo Nhân Dân.

 

Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/